Có quy hoạch không xây vượt quá 6 tầng ở khu phố cũ nhưng Hà Nội vẫn xin Thủ tướng xây 2 tòa nhà cao tầng trên đường Lý Thường Kiệt.
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Quản lý - Quy hoạch, được chúng tôi tổng hợp từ báo Đất Việt, nguồn bài: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-xin-vuot-tang-pho-cu-theo-quy-dinh-ma-lam-3372310/
UBND TP. Hà Nội vừa có đề xuất gửi lên Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho xây 2 dự án tòa nhà văn phòng cao từ 12 - 14 tầng trên phố Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm.
Theo đó, khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng 2.254,1 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng ngân hàng SHB cao 45m, quy mô 14 tầng, 1 tum.
Khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng 1.076 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội, với quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.
Khu đất UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng chấp thuận cho xây tòa nhà văn phòng ngân hàng SHB cao 14 tầng (Ảnh Dân Việt).
Ngày 4/1/2019, nhiều kiến trúc sư đã bày tỏ sự lo ngại về đề xuất này của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, khu phố Lý Thường Kiệt thuộc khu phố cũ của TP. Hà Nội, quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội tầm nhìn năm 2050 chỉ được xây cao từ 4 - 6 tầng.
Trong đó, chỉ được lựa chọn một vài công trình có điều kiện làm điểm nhấn đô thị, đóng góp vào cảnh quan chung.
Trước mỗi dự án, cần có những tính toán cụ thể, không vì thông tin mà chủ đầu tư "vẽ" ra mà để cho họ thực hiện. Cơ quan chức năng cần có những tính toán cụ thể xem dự án đó có phù hợp quy định, đồng bộ với hạ tầng xung quanh không. Nhất là tầm nhìn trong tương lai thì lựa chọn công trình nào là điểm nhấn đóng góp vào cảnh quan chung của cả tuyến đường.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch chung của Thủ đô đã có nên "cứ theo quy định mà làm", không nên có những trường hợp ngoại lệ vì có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu.
Ông Nghiêm cho biết, trước khi xem xét các dự án mới cần chú trọng các mối liên kết với khu vực xung quanh, cần có kế hoạch để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của cả vùng. Trong đó, quy hoạch tầm nhìn Thủ đô đến năm 2050 là một tầm nhìn dài hạn nên cần tính toán giữa độ cao tầng, chức năng của dự án với mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đật... để tránh những sức ép như ách tắc giao thông.
Trong khi đó, KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần phải xem xét thiết kế cụ thể của 2 dự án tòa nhà văn phòng của ngân hàng SHB và Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội.
Khu đất trên đường Lý Thường Kiệt của Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Nội.
Vị KTS này cho rằng, TP. Hà Nội không chỉ đề xuất chung chung mà cần phải tìm hiểu rõ thiết kế cụ thể chủ đầu tư 2 dự án này đưa ra như thế nào, có thể trở thành điểm nhấn của cả khu phố Lý Thường Kiệt hay không.
Trong phương án thiết kế mà chủ đầu tư đưa ra sẽ thể hiện rõ kiến trúc dự án, mật độ xây dựng, nhận định về dân số, lưu lượng xe lưu thông khi có dự án xuất hiện...
Không chỉ có quy hoạch tầm nhìn Thủ đô đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mà TP. Hà Nội cũng đã từng ban hành chế quản lý quy hoạch khu phố cũ Hà Nội. Theo đó, dự án xây dựng trên khu phố cũ phải có khoảng lùi theo quy chuẩn xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng đô thị như bãi đỗ xe, sân vườn xây xanh, và có phương án kiến trúc được thi tuyển phù hợp.
Ông Hanh cũng cho rằng, nếu dự án nào đủ những phần trên trên thì UBND TP. Hà Nội mới nên trình Thủ tướng phê duyệt.
Trước ý kiến cho rằng, nếu chấp thuận cho xây dựng 2 dự án tòa nhà văn phòng cao từ 12 - 14 tầng trên đường Lý Thường Kiệt sẽ làm phá vỡ quy hoạch Thủ đô đã được đề ra và có thể tạo tiền lệ xấu để nhiều doanh nghiệp khác cũng "xin" xây nhà cao tầng trên tuyến phố này trong tương lai, ông Hanh bày tỏ:
"Hiện chưa rõ thiết kế 2 dự án tòa nhà văn phòng trên đường Lý Thường Kiệt như nào nên tôi cũng chưa có bình luận gì. Nhưng chắc chắn trước mỗi dự án Chính phủ sẽ xem xét chi tiết, trước tiên là dự án đó có phù hợp với chủ trương, các quy định đã ban hành hay không mới đưa ra quyết định cuối cùng".
Tìm kiếm:✨
- Lý thường kiệt, Khu đất, Quy hoạch, Đề xuất, Trường học Hà Nội, Công ty CP Sách, Kiến trúc, Thủ tướng, Dự án, Công trình, Hà Nội, Tuyến phố, Xây dựng, Đầu tư, Chấp thuận, Hạ tầng, Đường Lý Thường Kiệt, Ủy ban nhân dân thành phố, Ngân hàng SHB, Giao thông, Phê duyệt, Nhà cao tầng, Quy hoạch phát triển, Hạ tầng kỹ thuật, Kiến trúc sư