Chiều cuối thu, tiết trời hanh hao phả những cơn gió lành lạnh, những tia nắng mảnh mai còn sót lại chiếu nghiêng qua vòm lá, in hình trên những tấm lụa mềm mại đang trưng bày trên tuyến phố đi bộ thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội).
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Văn hóa, được chúng tôi tổng hợp từ báo QĐND, nguồn bài: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tranh-que-huong-dep-pho-phuong-554460
Tôi đã đôi lần tìm đến đây, nhưng khi trở lại sao vẫn thấy có gì lưu luyến. Lang thang trong khuôn viên Trung tâm bảo tồn lụa, cô bạn gái Nguyễn Thu Huyền, cán bộ văn hóa phường, mỉm cười cất lời chào rồi dẫn tôi đi vòng quanh làng.
Vạn Phúc thời hiện đại, những cửa hiệu san sát nằm dọc hai bên tuyến phố trưng bày các sản phẩm lụa truyền thống. Những ngôi nhà cao tầng đã nói lên sự phồn thịnh của mảnh đất có nghề dệt hơn nghìn năm tuổi. Bước đến trung tâm làng nghề, phía trước ngôi đình cổ thờ đức Thành hoàng bản thổ, tôi bỗng thốt lên ngỡ ngàng khi được ngắm những bức tranh tường còn thơm mùi sơn mới. Thấy rõ sự thích thú của tôi, Thu Huyền phấn khởi nói: “Tất cả đều nhờ bàn tay của cán bộ và nhân dân trong phường vẽ đấy ạ! Công trình hoàn thành vào đúng dịp địa phương tổ chức Tuần văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2018. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện đều bằng hình thức xã hội hóa”.
Du khách thích thú chụp ảnh bên con đường bích họa.
Trước đây, những bức tường công cộng này vẫn để không. Các biển quảng cáo, thông tin rao vặt chằng chịt làm mất mỹ quan đường phố. Trong khi đó, Vạn Phúc không chỉ là đất làng nghề mà còn là địa điểm tham quan du lịch, mua sắm thu hút rất nhiều du khách. Với mong muốn chỉnh trang lại tuyến phố, UBND phường Vạn Phúc đã xây dựng kế hoạch vẽ những bức tranh tường ngay tại khu trung tâm làng nghề. Khi triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân địa phương. Đặc biệt người vẽ tranh chính là cán bộ văn hóa, đoàn viên, thanh niên, giáo viên mầm non trong phường. Người góp công, người ủng hộ kinh phí, chỉ sau một thời gian ngắn, con đường bích họa đã hiện ra trong niềm vui rạng rỡ của mọi người.
Giữa phố thị hiện đại, những bức tranh sống động tươi tắn sắc màu đã vẽ lên khung cảnh làng quê yên ả thanh bình. Đây cổng làng, bến nước, cây đa; kia giếng khơi, cây mít, mái nhà, đống rơm... Tất cả hiển hiện chân thực qua nét vẽ mộc mạc của người dân Vạn Phúc. Trên nền bức tranh quê ấy, thấp thoáng hình ảnh những dải lụa mềm mại bay bay trong ráng nắng chiều.
Đi cùng những người bạn già ngắm các bức tranh, cụ bà Hà Thị An, 85 tuổi, hồn hậu bảo: “Cổng làng mình xưa đây. Cây đa kia nay vẫn còn ở đầu làng. Họ vẽ đến là khéo các cụ ạ”. Con đường bích họa đã neo lại một chút hồn quê để những ai đã từng qua tháng ngày gian khó, đã từng sống trong không gian ấy có dịp hoài niệm nhớ thương. Bên những bức tranh quê, hằng ngày bà con khối phố vẫn thường ra đây thư giãn ngắm tranh. Góc tranh quê bình dị đã trở thành điểm hẹn để các cụ già tâm tình kể chuyện, cùng nhớ về một thời nhọc nhằn trong tiếng lách cách thoi đưa.
Đứng giữa không gian mang đậm nét văn hóa, ông Đỗ Văn Lợi, Phó bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc, cho biết: “Con đường bích họa không chỉ đem lại niềm vui đối với người dân Vạn Phúc mà còn hấp dẫn du khách khi đến đây tham quan. Rất nhiều lữ khách đã tìm cho mình một góc tranh đẹp để tạo dáng chụp ảnh. Qua những bức tranh này, hình ảnh ngôi làng Vạn Phúc bình dị cùng những sản phẩm lụa truyền thống sẽ theo chân người đi khắp muôn nơi”.
Tìm kiếm:✨
- Vẽ, Vạn Phúc, Con đường bích họa, Bức tranh, Làng nghề, Tuyến phố, Bay Bay, Muôn nơi, UBND phường Vạn Phúc, Bức tranh quê, Nghề dệt, Trưng bày, Lưu luyến, Hà Nội, Khung dệt, Nét vẽ